Tản mạn về triết lý đời thường


Tản mạn về triết lý đời thường

Trường Giang
Báo Sức khỏe và Đời sống
07:44′ PM – Thứ tư, 28/01/2009

Xin đừng ai nghĩ rằng con người bình thường chỉ biết sống theo thói quen, chỉ biết chống đỡ bị động mọi khó khăn cản trở để tồn tại. Không, nghìn lần không; con người dẫu thấp kém đến mấy vẫn có những suy nghĩ, thậm chí vẫn có những chính kiến, thiên hướng sống rõ ràng.

Image

Họ còn có cả những ước mơ; con người càng thiếu thốn, gian khổ, càng thèm muốn một cuộc sống đầy đủ, thảnh thơi. Chỉ có điều triết lý sống của họ là không ảo tưởng, không đeo đuổi điên cuồng những cái ngoài tầm tay mà họ vẫn thường sống với những gì đang có và hành động theo cung cách có thể kiểm soát được kết quả cuối cùng.

Họ hiểu, ham muốn bao giờ cũng cao hơn khả năng và mọi sự trốn tránh thử thách, lười nhác là cửa ngõ của thế giới ăn mày, là nghèo túng, đói rách. Kiên trì nhẫn nại là đức tính bản chất của người lao động chân chính dù nó chứa đầy cay đắng nhưng kết quả thường là ngọt ngào, dễ chịu. Nản lòng là sụp đổ, là cái chết của tâm hồn, là đánh mất tất cả.

Họ vẫn thường xác định, phải làm nhiều hơn nói, không nói hay làm dở, không tự phỉnh nịnh mình. Thành công một việc gì bao giờ cũng là niềm vui, là nguồn khích lệ lớn nhưng họ không say, không ngủ quên trên chiến thắng, họ biết rằng một bông hoa chưa phải là vòng nguyệt quế, một con chim én chưa thể tạo được mùa xuân mà quãng đường chông gai vẫn trải dài phía trước.

Họ luôn nhắc nhở nhau phải ra sức học tập rút kinh nghiệm sống. Học trong sách, học trong cuộc đời, rút kinh nghiệm của bản thân, rút kinh nghiệm của những người khác. Một đời người là một pho sách lớn; ngay cả những cuốn sách dở cũng có thể cho ta rút ra những điều bổ ích. Trên con đường trau dồi năng lực sống và lao động, không tiến có nghĩa là lùi. Cuộc hành trình của cộng đồng cũng như thời gian không bao giờ dừng lại hoặc quay lui. Ai đó nghỉ ngơi xả láng hay chậm chạp sẽ bị cuộc sống vượt qua một cách lạnh lùng; sẽ kém cỏi tụt hậu là điều chắc chắn.

Học hỏi không có nghĩa là rập khuôn, là bắt chước máy móc. Thành ngữ phương Đông có câu: “Không giống người khác, không lặp lại mình là đã biến đổi tích cực”.

Sáng tạo bao giờ cũng là tiêu chí của mọi yêu cầu phát triển. Cái mới bao giờ cũng là nhân lõi của sự biến đổi đi lên. Thói quen cũ kỹ, lối mòn muôn thuở, là kẻ thù vạn kiếp trong sự tiến hóa của loài người.

Trong quá trình sống, kể cả lúc khả năng vật chất dồi dào, họ rất tiết kiệm. Họ hiểu, sống tiết kiệm mới dễ dàng giữ được thanh liêm, trong sạch. Tiết kiệm cùng với siêng năng, sáng tạo là ba người bạn giàu có. Sự giàu có bền vững thường không tách rời cung cách chi tiêu có kế hoạch. Giàu có chưa hẳn là đẹp, mà cái đẹp nằm trong văn hóa làm giàu và văn hóa tiêu tiền.

Trong các mối quan hệ sống, khó tránh khỏi điều này, tiếng nọ. Nhưng người lao động thường không hay phức tạp hóa những vấn đề đơn giản và cũng ít khi họ đơn giản hóa những vấn đề phức tạp, đã từng gây cho họ bao khốn đốn. Họ vốn tiếp nhận và xử lý vấn đề bằng trực cảm nhưng không phải trí óc của họ hoàn toàn nghỉ ngơi. Họ vẫn sống bằng lý trí, cụ thể là họ thường nhắc nhau sống gương mẫu; trong việc giáo dục con cái, rất cần có lời lẽ dạy bảo, nhưng gương mẫu bao giờ cũng có tác dụng tốt hơn. Cuộc đời đẹp đẽ của những người làm cha làm mẹ, làm anh làm chị bao giờ cũng là bài học sống động nhất, có tác dụng định hướng, điều chỉnh mạnh mẽ nhất cho trẻ trong quá trình phấn đấu làm người lớn thực thụ. Trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình, họ biết tiến hành song song với sự kiềm chế ham muốn, tham vọng.

Trong mỗi con người, ai cũng có một vầng trăng và một mảng tối. Mảng tối là sự phản ánh mặt trái của xã hội, là sự chứa đựng những tính xấu, những khía cạnh tiêu cực của một cá thể. Mảng tối đó có khi trỗi dậy mạnh mẽ, có sức tàn phá ghê gớm. Thành ngữ ta có câu: “Mọi chiến thắng lớn nhỏ đều phải bắt đầu chiến thắng từ bản thân mình”. Những người có lý tưởng bao giờ cũng biết cách vượt chính mình. Họ biết tính ích kỷ là nguồn gốc của mọi tội ác và xóa bỏ được nguồn gốc đó thì con người sẽ thanh thản tiếp cận với lẽ phải, với đạo lý.

Muốn chiến thắng bản thân, muốn vượt chính mình, con người phải dũng cảm. Đức tính dũng cảm rất cần trong cuộc sống thường nhật, nhất là khi gặp những tình huống éo le, đầy thử thách. Song dũng cảm mà không có trí khôn thì cũng chẳng khác gì con ngựa mù.

Trí khôn đưa con người đi tới, dẫn con người đến bến bờ vinh quang. Song trí khôn cũng dễ làm cho con người kiêu căng, tự đắc. Thành ngữ dân gian lại cho ta thấy chính sự kiêu căng đó là mặt ngu dốt của một trí khôn chưa hoàn thiện, của cái vốn hiểu biết nửa vời, người kiêu căng chưa hẳn là người giỏi.

Trên con đường tiếp cận chân lý, sự hiểu biết của con người quả thật là ít ỏi, nghèo nàn. Con người có khiêm tốn thì cánh cửa chân lý mới mở, bước đường đi tới mới nhanh. Song, khiêm tốn phải thực lòng, nó phải thể hiện nhận thức đúng về sự hạn chế của mình. Khiêm tốn quá mức hoặc khiêm tốn giả vờ còn tệ hơn cả mọi kiểu kiêu căng.
Trong cuộc sống, con người có quyền hoài nghi, nhưng hoài nghi để nâng cao trách nhiệm tìm hiểu, nghiên cứu, để nhanh chóng tìm ra sự thật mà củng cố niềm tin. Hoài nghi để rồi đi đến tin tưởng thực sự. Đừng dễ dàng tin để rồi dễ dàng hoài nghi, vứt bỏ niềm tin. Nhưng cái gì cũng hoài nghi như một phong cách sống đã chết lòng tin thì sẽ không bao giờ đến được với chân lý; đó là sự ngu dốt.

Trong tình yêu, người lao động cũng sống hết mình nhưng tỉnh táo và thực tế. Họ quan niệm tình yêu là sự rung cảm hòa hợp của hai tâm hồn, hai trái tim. Đó là nói chung, còn đối với từng người, quan niệm về tình yêu thường có những sắc thái riêng. Người yêu đương suôn sẻ thì cho tình yêu là đóa hoa tươi, ngát hương vĩnh cửu, là niềm vui bất tận, là động lực mạnh mẽ, thường xuyên trong lao động và công tác. Người gặp nhiều trắc trở trong cảnh tình yêu tan vỡ thì quan niệm tình yêu là vị đắng, là vực thẳm, là sự tàn phá cuộc sống bình yên, là ngọn lửa thiêu đốt sự nghiệp…

Trong tình yêu, hành khất và vương giả đều như nhau. Đã bước vào tình yêu thì ai cũng vậy, đều bộc lộ lòng mình, đều có những cử chỉ âu yếm, thiết tha…

Những người đang yêu thường có những cử chỉ xốn xang, khó tả và khó giấu. Họ cảm thấy cuộc đời đẹp, lạc quan, phấn chấn; họ sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để đi tới được bến bờ.

Những người lao động thường sống thủy chung, say đắm một mối tình và đã yêu thì bao giờ cũng nghĩ tới hôn nhân. Những người sống cùng một lúc với nhiều mối tình thì thực chất là chưa có mối tình nào thực sự trong lòng. Như thế là đang sống nghèo chứ chưa phải là sống giàu.

Đã yêu thực lòng, yêu sâu sắc thì họ bất chấp mọi ngăn cách. Tình yêu không có tuổi, không biên giới, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa vị. Trong tình yêu chân chính không có phép so sánh. Đã so sánh với người này người khác, tính toán nhỏ nhen là chưa phải đã yêu. Song người đời cũng nhận rõ một điều, trong tình yêu cũng có phần tiêu cực mà nam hay nữ đều phải cảnh giác mới là mốt, là nét tâm lý khá phổ biến, nhất là lớp thanh niên, trung niên nam nữ ở thành thị. Tình yêu có khi làm cho con người trở nên mù quáng. Tình yêu xuất hiện là lý lẽ im bặt; sự công bằng, hợp lý, hợp lẽ phải không còn là tiêu chí quan trọng nữa.

Trong lĩnh vực đối nhân xử thế, người lao động rất chú ý giữ gìn đạo lý. Họ không có thái độ được cá quên nơm, mưa tạnh quên nón, học xong quên thầy, hết bệnh quên lương y. Họ coi thái độ vong ân còn tệ hơn cả phản bội. Một thành ngữ dân gian cần được người đời suy ngẫm: “làm ơn thì không nên nhớ, nhưng nhận ơn thì không được quên”.

Đối với người thân, thái độ họ nhất quán trước sau như một. Họ khinh bỉ, phỉ báng những kẻ “hôm trước thì chị chị em em, hôm sau thì như chó với mèo”, “thay đổi ghế, thay đổi tính cách”, “sống mang nặng tư tưởng cơ hội”.

Người lao động chân chính bao giờ cũng sống trung thực, thật thà. Họ coi gian dối là kẻ thù bẩn thỉu. Trong những cuộc thi đấu, thi cử, tranh chấp lành mạnh, họ thà thất bại trong sạch còn hơn thắng lợi man trá.

Khi mắc sai lầm, phạm tội lỗi, họ thành khẩn tự kiểm điểm, tiếp thu phê bình, nhận hình phạt. Tự giác nhận lỗi không hề là một sự nhục nhã. Thật đáng hổ thẹn cho những kẻ không biết hổ thẹn. Thành ngữ phương Đông có câu: “mắc sai lầm là không tốt, cứ nhơn nhơn càng tồi tệ”. Chính những người biết hối hận là những người luôn biết xây dựng cuộc đời mới đẹp đẽ hơn, luôn biết phủ định mình để rèn luyện bản lĩnh khẳng định mình.

Họ nhìn nhận nhau rất công bằng; đánh giá một vấn đề bao giờ cũng căn cứ chính vào hành động và hiệu quả; lời lẽ cùng những sự tranh cãi chỉ là điều tham khảo.

Những người lao động hiểu biết thường sống rất tâm lý, họ hiểu bạn bè, người thân và đồng nghiệp của mình; không suy bụng ta ra bụng người, không bằng vào bụng mình đang no mà khẳng định không ai đói. Khi gặp khốn khó họ thường giúp đỡ, đùm bọc nhau. Một miếng khi đói bằng cả gói khi no. Lúc gian nan thử thách mới rõ ai là bạn hiền. Họ giúp nhau vượt qua khúc bần hàn và hơn thế, họ giúp nhau căn bản hơn là cách sống, cách kiếm tiền. Thành ngữ ta đã có câu: “Cho vàng không bằng chỉ đàng làm ăn”. Họ biết nói, nói đến đầu đến đuôi khi thấy cần nói, song khi cần thiết không nên nói, họ im lặng, giữ kín.

Trong cuộc sống, những người lao động biết tận dụng mọi cơ hội để hành động dấn tới song họ cũng biết dừng lại bên bờ vực, bên vạch ranh giới của quyền tự do.

Trong lĩnh vực trau dồi và phát triển tài năng, họ cũng có những suy nghĩ rất thực tế. Họ quan niệm tài năng không phải do trời phú, không phải do tạo hóa cho không mà chủ yếu do dày công khổ luyện; năng khiếu và trí thông minh chỉ quyết định một phần.

Họ hiểu sống trong thời đại văn minh này là phải có trí tuệ. Do đó mà phong trào tự học, học tại chức, học theo phương thức giáo dục từ xa, học theo sự hướng dẫn của đài truyền thanh, của vô tuyến truyền hình, học trong sách báo của cán bộ viên chức, công nhân, nông dân… ngày càng sôi động. Vì vậy, mặt bằng dân trí của ta ngày nay cao hơn rất nhiều.

Trong quá trình trau dồi tài năng, những người khôn ngoan nhận ra một điều rằng, biết ít mà đúng còn hơn biết nhiều những điều vu vơ. Khi có ai nói là tôi đã biết tất cả thì ta có thể khẳng định người đó không biết được điều gì sâu sắc, đầy đủ. Kho tàng tri thức của nhân loại là vô hạn, mênh mông như biển cả, còn nhận thức của mỗi con người thì rất hạn chế, ví như một giọt nước. Có người đã nói: “Trong tình hình khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay thì ai không đổi mới nhận thức coi như mù chữ. Ai lười tư duy là đã từ chối trí tuệ. Ai biết phát hiện ra mình còn dốt thì mới có cơ tiếp cận được chân lý. Ai có khát vọng, có ý chí thì mới có thể vươn tới tài năng”.

Song cũng phải biết rằng, bản thân tài năng chưa có ánh hào quang, nếu chỉ đấy ngắm nghía, mà chỉ khi vận dụng được vào thực tế mới bừng tia chớp, mới có ánh sáng lan tỏa. Mặt khác, cũng phải xác định nghiêm túc, có tài năng là để lao động và công tác hiệu quả hơn, để tạo ra nhiều tài năng khác cho đất nước chứ không phải để nhìn đời một mắt, khinh rẻ người kém tài năng, coi thường những người không bằng mình.

Để khép lại bài viết tản mạn về những triết lý đời thường này, tôi xin phép nhắc lại một câu thành ngữ phương Đông có ý nghĩa tổng quát: Lẽ đời của con người là biết nghe phải, nói phải, làm phải.